CẢM NHẬN SAU CHUYẾN HÀNH TRÌNH VỀ NGUỒN
Kính thưa: các đồng chí và các bạn!
Tôi tên là Lý Văn Nhân – Sinh năm 1985 hiện đang công tác tại Huyện đoàn đoàn Bình Tân. Tôi cảm thấy rất vinh hạnh được tham gia chuyến hành trình về nguồn thăm quê hương Bác và quê hương đồng chí Lý Tự Trọng, trong chuyến hành trình dài 08 ngày cùng với 28 đồng chí trong đoàn đi qua 17 tỉnh thành, viếng thăm nhiều địa điểm tất cả đã để lại trong tôi nhiều ấn tượng khó quên, trong đó tôi cảm thấy xúc động nhất là:
Đến với Thành Cổ Quảng Trị, trong chuyến hành trình về nguồn lần này Tôi cùng với 28 thành viên trong đoàn do đồng chí Nguyễn Trung Kiên – Bí thư Tỉnh Đoàn làm trưởng đoàn, được tự tay thắp nén tâm hương lên ngôi mộ phần chung của tất cả các chiến sĩ làm tôi thật sự bồi hồi và xúc động.
Nếu như không được trực tiếp đến đây, được tận mắt chứng kiến những đau thương, mất mát của một thời đạn bom, khói lửa của chiến tranh thì tôi cũng chưa hình dung hết được những mất mát và đau thương đó: mẹ phải xa con, vợ phải xa chồng, thịt nát, xương tan, thân lìa đôi ngã, cỏ cây không sống nổi huống chi nói đến con người,… Khi đến đây tôi và các đồng chí trong đoàn phải đứng nghẹn người để ngăn dòng lệ trước những hy sinh của các anh để bảo vệ cho Tổ quốc. Còn đau đớn nào hơn khi chết mà thân không còn được nguyên vẹn, chiến tranh là vậy đó, tại mảnh đất đó thân xác các anh đã không còn nguyên vẹn, từng mảnh, từng mảnh đã hòa cùng cây cỏ, đất trời; Có đau đớn nào hơn khi trong đạn bom, khói lửa, mà các Anh vẫn ung dung tự tại, tràn ngập những ước mơ lo cho gia đình, cho quê hương tổ quốc, không sợ hy sinh mà các Anh rất tự hào khi được làm điều đó, vì các Anh biết rằng mình đã góp được phần nhỏ bé để bảo vệ cho Tổ quốc thân yêu, cho người thân được an toàn. Và trong thâm tâm các Anh luôn chắc chắn một điều rằng rồi đây nước nhà sẽ độc lập – ngày ấy sẽ không còn xa.
Nghe lời kể của hướng dẫn viên, hình ảnh Thành Cổ cùng với thị xã Quảng Trị, hơn 40 năm về trước rất hoang tàn dưới bom đạn hủy diệt của kẻ thù hiện ra trong chúng tôi. Những tàn tích còn sót lại là bức tường thành cổ sụp đỗ, nhiều công trình lưu giữ vết bom đạn của chiến tranh. Bên dòng Thạch Hãn hiền hòa ấy và vóc dáng thành cổ Quảng Trị uy nghi như vậy. Mà mùa hè năm 1972, tại nơi đây khoảng 328000 tấn bom đạn của giặc Mỹ đã dội xuống mảnh đất này, ngày cũng như đêm, trời và đất Quảng Trị đỏ rực một màu máu và lửa, không một cành cây, ngọn cỏ nào có thể sống sót. Trong lịch sử có lẽ chưa có một cuộc chiến tranh nào tàn khốc như thế, đối phương chỉ tập trung đánh vào khu vực rộng chưa đầy 3km
2. Chiến dịch Quảng Trị năm 1972 và cuộc chiến đấu 81 ngày đêm ở Thành cổ Quảng Trị góp phần mở ra con đường đi tới chiến thắng sau này, 81 ngày đêm anh dũng của quân ta đã làm thất bại âm mưu tái chiếm thị xã Quảng Trị của địch để gây sức ép tại hội nghị Pari. Chiến thắng này đã khẳng định ý chí mạnh hơn sắt thép và lòng quả cảm tuyệt vời đã không thể bị khuất phục. Suốt 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ, lớp lớp người con thân yêu của đất nước đã ngã xuống, máu xương của các anh đã hòa vào đất mẹ, hòa vào sóng nước của dòng sông Thạch Hãn.
Thời gian qua đi sẽ làm lành vết thương chiến tranh, tuổi trẻ ngày nay cần quý trọng hơn những thành quả của người đi trước để lại mà trước hết là giá trị của hòa bình, độc lập, tự do. Trong non sông Việt Nam thống nhất, trong dòng máu con Lạc cháu Hồng, thế hệ thanh niên chúng ta hôm nay cần hướng tới tương lai vì một mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh sánh vai với các cường quốc năm châu.
Dẫu cho bức tường Thành Cổ đã bị chiến tranh phá đổ đi, nhưng với lòng quả cảm, ý chí của các thế hệ thanh niên đi trước đã xây nên bức tường thành vô hình vững chắc cho thế hệ thanh niên hôm nay và mai sau không bao giờ đổ được./.