Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh
Thứ sáu, 19-05-2023
Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu lên 4 phẩm chất đạo đức cơ bản của người cách mạng đó là: Trung với nước, hiếu với dân; yêu thương con người, sống có nghĩa, có tình; cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư; tinh thần quốc tế trong sáng. Để rèn luyện phẩm chất đạo đức cách mạng, Bác đưa ra 3 nguyên tắc xây dựng và thực hành đạo đức trong xã hội của mỗi cá nhân và suốt đời không ngừng rèn luyện để làm gương cho cán bộ, đảng viên và quần chúng: Nói đi đôi với làm phải nêu gương về đạo đức; xây đi đôi với chống phải tu dưỡng đạo đức suốt đời.
Sinh thời, Người thường căn dặn cán bộ, đảng viên chúng ta: nói cái gì phải cho dân tin, nói và làm phải nhất quán. Với quan niệm đó, trong suốt cuộc đời mình, Người đã thực hiện một cách nghiêm túc và đầy đủ "Nói đi đôi với làm". Sức thuyết phục mạnh mẽ trong tấm gương đạo đức của Hồ Chí Minh là ở chỗ: nói luôn đi đôi với làm, dù việc lớn hay nhỏ, tự mình phải làm gương trước. Tấm gương "Nói đi đôi với làm" của Bác bắt nguồn từ lòng dạ trong sáng, chính tâm, thật sự nêu gương của Người.
Khi nước nhà giành độc lập năm 1945, cách mạng Việt Nam đứng trước muôn vàng khó khăn "Thù trong, giặc ngoài", Bác và Đảng ta đã đưa ra những chủ trương hết sức đúng đắn, kịp thời đẩy lùi những khó khăn. Để giải quyết nạn đói trên miền Bắc, Người đề nghị toàn dân tiết kiệm gạo để giúp đồng bào bị đói và Người gương mẫu thực hiện trước: "Lúc chúng ta mang bát cơm lên mà ăn, nghĩ đến kẻ đói khổ chúng ta không khỏi động lòng, vậy tôi xin đề nghị với đồng bào cả nước và tôi xin thực hành trước: cứ 10 ngày nhịn ăn một bữa, mỗi tháng nhịn ăn 3 bữa, đem gạo đó (mỗi bữa một bơ) để cứu dân nghèo".
Năm 1946, để tăng cường sức khỏe cho nhân dân, Bác kêu gọi toàn dân tập thẻ dục. Bản thân Người là tấm gương "Tự tôi ngày nào cũng tập".
Về nơi ở, sau khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp thắng lợi, từ chiến khu Việt Bắc trở về Thủ đô Hà Nội, Người không ở căn nhà to lớn của viên toàn quyền Đông Dương mà chọn ở ngôi nhà của người công nhân thợ điện. Mùa hè miền Bắc oi bức, nhưng Bác chỉ dùng quạt lá cọ để "dành điện phục vụ cho sản xuất, phục vụ sinh hoạt cho nhân dân". Thương Bác các cán bộ ngoại giao gửi biếu Bác chiếc điều hòa nhiệt độ, nhưng Người không dùng mà đề nghị chuyển cho các đồng chí thương, bệnh binh.
Đó là một trong số rất nhiều câu chuyện kể về sự nêu gương của Bác Hồ kính yêu của chúng ta về "Nói đi đôi với làm" không thể kể, liệt kê hết được. Thật sự cho đến hôm nay, Những lời dạy của Người về "Nói đi đôi với làm" vẫn còn nguyên giá trị. Hơn lúc nào hết, mỗi cán bộ, đảng viên phải thấm nhuần lời dạy của Người về "Nói đi đôi với làm", phải nâng cao đạo đức cách mạng, tăng cường phòng, chống và khắc phục tình trạng nói không đi đôi với làm; phải có nhận thức đúng và quyết tâm vượt qua chính mình. Bởi vì, bất kỳ công việc gì dù lớn hay nhỏ, phức tạp hay đơn giản nhưng nếu không ra sức phấn đấu thì cũng không thể thành công được. Mặc khác, "Nói đi đôi với làm" phải thực hiện đồng bộ, nhất quán từ trên xuống, đồng thời đề cao vai trò của người đứng đầu ở các cấp, các ngành, địa phương, đơn vị.
Thực tiễn trong những năm qua, Đồng chí Dương Trọng Khiêm với vai trò là Phó Bí thư đoàn TNCS Hồ Chí Minh thị trấn Tân Quới, bản thân luôn tham mưu cho BCH đoàn thị trấn luôn chú trọng công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng Hồ Chí Minh nói chung và nguyên tắc xây dựng, thực hành đạo đức "Nói đi đôi với làm" nói riêng trong toàn thể cán bộ đoàn, đoàn viên, thanh niên. Bản thân luôn nêu cao tinh thần đoàn kết, thống nhất cao trong lời nói và việc làm, ra sức rèn luyện phẩm chất đạo đức cách mạng.
Hàng năm triển khai cho đoàn viên trong các chi đoàn trực thuộc viết bản đăng ký làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác, qua đó cuối năm đánh giá lại những việc đã làm được, những tồn tại, hạn chế để có hướng khắc phục. Tham mưu bí thư chi bộ luôn mở rộng và phát huy dân chủ trong Đảng, không có tình trạng chuyên quyền độc đoán, lười biếng, háo danh, nói một đằng làm một nẻo hoặc nói không đi đôi với làm; đẩy mạnh công tác tự phê bình và phê bình, đề cao sự gương mẫu của người đứng đầu; luôn chủ động tích cực, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm trong thực hiện chức trách nhiệm vụ được giao.
Thời gian đến, tham mưu BCH đoàn thị trấn Tân Quới tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho cán bộ đoàn viên, thanh niên và coi đây là nhiệm vụ cơ bản xuyên suốt để tạo sự chuyển biến sâu sắc trong nhận thức và hành động theo tư tưởng của Bác về "Nói đi đôi với làm"; nêu cao tinh thần đoàn kết, đẩy mạnh công tác tự phê bình và phê bình, kịp thời rút kinh nghiệp nhằm xây dựng đức tính trung thực, thẳng thắn, dám nghĩ, dám làm của đoàn viên, thanh niên; ra sức học tập tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng, nâng cao bản lĩnh chính trị, năng lực công tác, thực hiện đúng những gì đã nói, làm tốt những việc cần làm, nên làm; đổi mới phong cách, lề lối làm việc đảm bảo dân chủ, khoa học.