HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TƯ TƯỞNG, ĐẠO ĐỨC, PHONG CÁCH HỒ CHÍ MINH
Thứ sáu, 02-06-2023
Đội ngũ nhà giáo là một bộ phận đặc biệt của đội ngũ trí thức, là “kiến trúc sư trí tuệ”, đào tạo ra các thế hệ tương lai cho đất nước, là động lực của sự phát triển. Trên phương diện lãnh đạo, quản lý, “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”, “muôn việc thành công hoặc thất bại, đều do cán bộ tốt hoặc kém” thì người thầy chính là những người nuôi dưỡng, bồi đắp cho “cái gốc cán bộ” được đâm chồi, nảy lộc.
Người thầy là người dẫn đường mẫu mực. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói “Người thầy giáo tốt, thầy giáo xứng đáng là thầy giáo - là người vẻ vang nhất. Dù là tên tuổi không đăng trên báo, không được thưởng huân chương, song những người thầy giáo tốt là những người anh hùng vô danh...”. Một trong những yếu tố then chốt quyết định chất lượng giáo dục chính là chất lượng của đội ngũ nhà giáo. Muốn có những học sinh giỏi thì phải có người thầy tốt. Học sinh sẽ chỉ được tiếp thu kiến thức một cách đầy đủ và hiệu quả nhất, nếu nhận được sự dìu dắt và chỉ bảo của những người giáo viên thật sự có năng lực và tâm huyết. Nhà giáo không chỉ đóng vai trò quan trọng trong truyền bá kiến thức, kỹ năng, mà còn góp phần hình thành và phát triển nhân cách người học. Thông qua việc dạy học, người thầy “gieo mầm” những phẩm chất tốt đẹp, tạo dựng cho người học thái độ và năng lực nghề nghiệp cần thiết để trở thành người có ích cho xã hội. “Thầy dạy tốt, trò học tốt, cung cấp đủ nguồn nhân lực cho nông nghiệp, công nghiệp, cho các ngành kinh tế và văn hóa. Đó là nhiệm vụ vẻ vang của các thầy giáo, cô giáo”. Bác luôn tâm niệm rằng người thầy là gốc, là cội nguồn của tri thức, của đạo đức và cũng là người gieo trồng những hạt giống cho tương lai tươi sáng của dân tộc.
Nhà giáo là tấm gương sáng về trí tuệ và đạo đức. Mỗi giáo viên khi bước chân vào nghề đều hiểu rằng, có rất nhiều sự quan sát hướng đến mình, với học trò là để học tập làm theo, còn với xã hội là thái độ trân trọng cùng sự gửi gắm về tương lai của thế hệ trẻ. Người giáo viên, hằng ngày, hằng giờ qua những bài giảng, qua những hành động của mình đang nuôi dưỡng nhân cách học trò, tức là dạy cách làm người. Và đương nhiên như thế, mỗi thầy giáo, cô giáo cần là một tấm gương sáng về đạo đức, vì một khi giáo viên không giữ được nhân cách của bản thân thì làm sao dạy được nhân cách cho học trò.
Trong thời đại hiện nay, mọi thông tin trong xã hội đều có thể được truyền đi và phản hồi trong một không gian rộng. Học sinh và phụ huynh có thể nắm bắt nhiều phương diện, từ nhiều chiều về người thầy, và vì vậy áp lực với người thầy cũng lớn hơn bởi họ luôn phải tạo dựng cho mình hình ảnh tốt đẹp và giữ gìn hình ảnh đó trong mắt học trò. Thế giới mà chúng ta đang sống cũng không chỉ là thế giới phẳng về thông tin mà còn là thế giới của những giá trị vật chất, không ít khi những giá trị vật chất đó chi phối con người. Bởi thế, người giáo viên cũng phải vượt lên nhiều cám dỗ để trở thành tấm gương sáng về đạo đức. Để rèn luyện tấm gương mẫu mực về đạo đức, Bác yêu cầu các nhà giáo phải thanh liêm, trung thực, biết đặt lợi ích của đất nước, của nhà trường lên trên lợi ích cá nhân. Để làm tròn sứ mệnh, người thầy phải nhận thức được trách nhiệm nặng nề và vẻ vang của mình là: chăm lo dạy dỗ những mầm non tương lai của đất nước thành người công dân tốt, người lao động tốt. Người thầy phải là hiện thân của tri thức, học vấn và đạo đức, bao gồm đạo đức công dân và đạo đức nghề nghiệp. Không ngừng rèn luyện chuyên môn, rèn luyện phẩm chất để luôn là tấm gương sáng cho học sinh noi theo, phải gương mẫu từ lời nói đến việc làm, phải hết lòng thương yêu, chăm sóc học sinh, phải thật sự yêu nghề, yêu trường, không ngừng học hỏi để tiến bộ.
Mỗi người giáo viên phải vừa là người thầy vừa là người bạn lớn, người đồng hành tin cậy của học trò trên con đường tìm kiếm tri thức và lẽ sống. Trong quan điểm của Hồ Chí Minh về công tác bồi dưỡng thế hệ kế cận, người thầy không chỉ dạy chữ mà còn dạy người, không chỉ là người đức cao vọng trọng mà còn là người biết gần gũi thương yêu; không chỉ là người truyền đạt mà còn là người biết lắng nghe và thấu hiểu; không chỉ là người chỉ đường mà còn là người đồng hành; không chỉ là thầy mà còn là bạn của các thế hệ người học. Có như vậy, thầy cô giáo mới có sự đồng cảm, tìm được tiếng nói chung với người học, từ đó xác định được phương pháp giáo dục hiệu quả nhất cho từng đối tượng. Nhà giáo phải có lòng thương yêu học trò và niềm yêu nghề thực sự. Yêu nghề, yêu trò là phẩm chất, là yêu cầu quan trọng hàng đầu đối với mỗi nhà giáo. Bởi đây là động lực thôi thúc trách nhiệm và nhiệt huyết để mỗi nhà giáo phấn đấu hoàn thành sự nghiệp vẻ vang của mình. Mỗi thầy cô giáo phải yêu nghề, yêu trò sâu sắc thì mới có thể trở thành một nhà giáo mẫu mực. “Sự nghiệp trồng người” là sự nghiệp cao cả, lâu dài, nó không phải là một con đường bằng phẳng mà có nhiều chông gai, cám dỗ. Chỉ khi có lòng trắc ẩn sâu sắc, có đức dày - trí sáng - lòng trong thì nhà giáo mới vượt qua được những thử thách của nghề, không bị sa ngã, không vì lợi ích vật chất tầm thường mà đánh mất đi mối quan hệ thầy trò trong sáng, thiêng liêng và trách nhiệm cao cả của một “nghề cao quý nhất trong các nghề cao quý”. Người thầy phải thực sự là tấm gương sáng về rèn luyện đạo đức, nhân cách, phải khách quan, công bằng. Có như thế, người thầy mới thật sự là người bạn lớn, người đồng hành, “người lái đò” tin cậy cho các thế hệ học trò trên con đường tìm kiếm những bến bờ tri thức mới.
Bên cạnh việc nhận thức đầy đủ về vai trò người thầy, người giáo viên cũng cần trang bị cho mình những phẩm chất cần thiết để đáp ứng yêu cầu của một cán bộ giáo dục trong thời đại mới. Thứ nhất, có bản lĩnh chính trị vững vàng, ý chí tự lực tự cường, lòng yêu nước, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Vì mục đích cơ bản của hoạt động giáo dục là nhằm đào tạo các thế hệ chủ nhân của đất nước có đủ năng lực, phẩm chất đạo đức, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước. Thứ hai, phải có tầm nhìn xa, nắm bắt các xu hướng nghiên cứu hiện đại, đổi mới sáng tạo trong giảng dạy. Trong mỗi nhà trường, mục tiêu nâng cao chất lượng, luôn thúc đẩy đội ngũ nhà giáo say mê nghiên cứu, đổi mới phương pháp dạy và học, cải tiến những yếu tố có ảnh hưởng đến việc dạy và học. Những kết quả nghiên cứu được ứng dụng, thử nghiệm vào thực tiễn giảng dạy sẽ ngày càng trở nên phổ biến trong các môi trường khuyến khích nâng cao chất lượng. Do đó, nhà giáo cần tăng cường trau dồi, rèn luyện năng lực chuyên môn, nâng cao khả năng nghiên cứu khoa học, năng lực dự báo. Đồng thời, tăng cường phương pháp giảng dạy linh hoạt, đa dạng, lấy người học làm trung tâm, khuyến khích người học phát huy tính năng động, độc lập trong tư duy và năng lực đổi mới sáng tạo để quá trình học tập, nghiên cứu cho ra những sản phẩm thiết thực, có tính ứng dụng cao, phục vụ đời sống vật chất và tinh thần của xã hội. Thứ ba, cần tăng cường trình độ ngoại ngữ và khả năng ứng dụng công nghệ thông tin. Hiện nay, có hàng trăm công cụ hỗ trợ quá trình giảng dạy và nghiên cứu. Nhờ ứng dụng các công nghệ nhà trường, nhà giáo dễ dàng thu thập dữ liệu, phân tích và đánh giá chính xác về người học. Điều này mở ra những cơ hội mới đối với đội ngũ nhà giáo nhưng cũng đặt ra những yêu cầu rất mới, khó khăn hơn đối với họ. Nếu đội ngũ nhà giáo hạn chế về ngoại ngữ và công nghệ sẽ hạn chế việc khai thác, ứng dụng những thành tựu mới của khoa học công nghệ vào giảng dạy. Vì vậy, để có thể cập nhật những kiến thức hiện đại mang tính toàn cầu, cũng như ứng dụng công nghệ thông tin trong quá trình giảng dạy, đội ngũ nhà giáo phải giỏi về ngoại ngữ và công nghệ thông tin.
Trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng như hiện nay, khoa học công nghệ phát triển mạnh mẽ, xã hội biến chuyển nhanh chóng, yêu cầu đối với giáo dục ngày càng cao. Bản thân là một giáo viên tôi sẽ không ngừng học tập, rèn luyện, tu dưỡng phẩm chất, đạo đức, trau dồi, cập nhật tri thức, phương pháp giảng dạy để xứng đáng với sứ mệnh cao quý của người thầy trong sự nghiệp giáo dục của nước nhà.